Mình không nghĩ là mình đã quá “sành sỏi” trong công việc hay cuộc sống, nhưng mình cũng đã trải qua nhiều lần chông chênh, áp lực như tất cả mọi người, nên phần nào hiểu được tầm quan trọng của sự “tỉnh táo” khi đi làm và kế hoạch dự phòng cho sự nghiệp. Vì thế, bài viết này mình chia sẻ một vài góc nhìn rút ra từ những trải nghiệm của bản thân để giúp các bạn sắp đi làm hoặc mới đi làm có những bước đi “an toàn” hơn đối với những vấn đề xoay quanh công việc.
1. Bạn không thể bất chấp mọi thứ để thành công!
Và thứ không thể bất chất nhất chính là sức khỏe của bạn. Dù bận đến mức nào, hãy luôn nhắc nhở bản thân nuôi dưỡng những thói quen tốt và nâng cao sức khỏe tinh thần. Hãy học cách tách rời công việc khỏi cuộc sống cá nhân, đừng vì những việc không đáng mà đánh mất niềm vui cả ngày của mình.
Hãy nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy cần và đừng cảm thấy tội lỗi khi làm điều đó, đừng để nằm trong bệnh viện truyền nước biển thì mới thấy hối hận vì đã không quan tâm đến sức khỏe của chính mình.
Mình biết, ở thời điểm hiện tại vẫn có rất nhiều công ty khuyến khích “văn hóa hối hả”, “chủ nghĩa bận rộn”, thứ khiến nhân viên cảm thấy tội lỗi và luôn cần một lý do để họ thật sự được nghỉ ngơi. Điều này thật sự rất độc hại về thể chất lẫn tinh thần, vì thế bạn cần tỉnh táo để có thể nhận ra và tách biệt khỏi những điều này càng sớm càng tốt.
2. Không có một việc nào là không có giá trị!
Mọi việc bạn đang làm đều đóng góp vào kết quả chung của tập thể hoặc ít nhất giúp tiết kiệm thời gian cho một người khác. Không có việc nào là “dễ lắm, làm nhanh lắm”, nếu dễ thì tại sao cấp trên không tự làm mà phải thuê thêm bạn? Việc ý thức được giá trị bản thân giúp bạn không cảm thấy nhỏ bé khi đối diện với người khác. Có thể với những đóng góp của bạn ở hiện tại là chưa nhiều nhưng nếu không có bạn công việc của tập thể sẽ bị chậm lại hoặc các thành viên khác sẽ bị quá tải.
Nhiều người khuyên ta chưa nên quan tâm quá nhiều về lương thưởng ở giai đoạn mới bắt đầu, nhưng hãy quan tâm đến phúc lợi, chế độ làm việc, con người và văn hóa của công ty. Hãy nhớ rằng, bạn không thể đòi hỏi mức lương cao khi mới vào công ty và chưa đóng góp gì cả, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm điều đó khi bạn hoàn thành tốt công việc vượt xa mong đợi của công ty và mang đến giá trị cho khách hàng.
3. Không phải sếp nào cũng biết cách làm sếp
Không phải ngẫu nhiên mà câu nói: "Người ta không rời bỏ công ty - họ từ bỏ những người lãnh đạo tồi" lại trở nên viral trong giới công sở như thế. Kỹ năng quản trị thì học ở đâu cũng được, nhưng sự chân thành, khoan dung, thấu cảm và biết cách đóng góp tích cực không phải sếp nào cũng có. Nếu là bạn, bạn nghĩ mình có làm được không, trong khi đó những người sếp họ vừa phải công việc chuyên môn vừa phải đảm nhận thêm việc “làm sếp” nữa thì thật sự rất khó.
Vì thế, để “bảo vệ” quyền lợi của bản thân hoặc cảm thấy đang trong một tình thế “không an toàn”, có một vài việc bạn cần nhớ :
Đừng mơ hồ về công việc, phải nói ra không biết làm hoặc chưa rõ và trình bày được tiến trình công việc và những giá trị mình đã tạo ra.
Rất cần xác nhận tất cả công việc qua email
Hãy tập trung vào kết quả và chất lượng công việc chứ đừng quá bận tâm về thái độ tiêu cực của người khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chấp nhận sếp cũng là con người và con người sẽ luôn có những ý kiến chủ quan, thậm chí ý kiến đó có thể tiêu cực và đang nhắm đến bạn. Bạn có quyền nói lên vì quyền lợi và sự công bằng của bản thân nhưng đừng kỳ vọng rằng bạn sẽ được ủng hộ và công nhận từ tất cả mọi người.
4. Khi "trình độ" chưa cao thì không nên "thái độ" với người khác?
Mình từng nghe câu này rất nhiều lần và không hoàn toàn tán thành với nó bởi hàm ý chưa thật sự rõ ràng, đồng ý ta cần tôn trọng người khác nhưng cũng không có nghĩa là lúc nào cũng cam chịu nếu đối diện với những bất công trong công việc. Công ty cũng giống như một xã hội thu nhỏ, khi bước chân vào một công ty ta phải chấp nhận nó sẽ có cái rất tốt và vẫn tồn tại những điều rất tệ đằng sau. Thực tế, ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người, làm sao để ta biết chắc “thái độ” như thế nào sẽ là tốt, như thế nào là không tốt vì về điều này không có quy chuẩn chung, có chăng ta sẽ hợp với một vài người và sẽ không hợp với một vài người khác. Biết điều và có thái độ tốt không có nghĩa là làm hài lòng tất cả mọi người!
Hơn nữa, khi đề cập đến “trình độ” có vẻ hơi mơ hồ và việc bận tâm quá nhiều đến “thái độ” để làm hài lòng hay để tránh làm mất lòng người khác lại không phải là mục tiêu quan trọng nhất để một nhân viên cần hướng đến khi đi làm. Bản chất của công việc vốn dĩ là trao đổi giá trị, ta đi làm để trao giá trị cho khách hàng và công ty, sau đó được nhận những phúc lợi thỏa đáng, chứ không phải để hơn thua, chấp nhất hai chữ “thái độ” với cấp trên hay đồng nghiệp.
5. Hãy "sống tốt" trong vùng an toàn trước đã!
Mình đọc được rất nhiều câu cỗ vũ rằng hãy trải nghiệm nhiều hơn, hãy vượt ra khỏi vùng an toàn của mình, hãy chấp nhận những thử thách mới vì bạn còn trẻ mà. Mình không phản đối với điều này nhưng câu hỏi đặt ra là bạn đã sống tốt trong vùng an toàn đâu mà vội đời khỏi nó! Hãy chỉ rời khỏi khi bạn đã sống rất tốt trong vùng an toàn và thật sự sẵn sàng để bước tiếp một đoạn đường mới.
Một vài tiêu chí mà mình dùng để đánh giá bản thân đã thật sự ổn ở hiện tại chưa:
Mình có giỏi điều mình đang làm chưa?
Sức khỏe thế chất và tinh thần ở hiện tại có thật sự ổn định?
Mình đã kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân chưa?
Mình đã thật sự hiểu được giá trị của bản thân và giá trị mình muốn tạo ra cho xã hội chưa?
Mình đã thật sự trân trọng và biết ơn những gì mình đang có chưa?
6. Hãy chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho sự nghiệp ngay từ bây giờ
Một số việc bạn có thể làm ngay bây giờ để xây dựng cho mình một “Kế hoạch dự phòng cho sự nghiệp - Backup Plan” cho sự nghiệp của mình để có thể vững vàng trước bất cứ rủi ro nào có thể xảy ra:
Cố gắng làm thật tốt công việc hiện tại về chuyên môn và tích lũy tối đa các kỹ năng mềm trong khả năng của mình. Đồng thời, hãy không ngừng học hỏi để mở rộng hiểu biết và có thêm những kỹ năng có thể chuyển đổi, để bạn có thể tự tin ứng tuyển vào những vị trí công việc phù hợp ngay khi rời khỏi công việc cũ.
Thường xuyên cập nhật CV và các thông tin, xu hướng tuyển dụng mới nhất cũng như trau dồi thêm kỹ năng phỏng vấn. CV thường được xem là bản tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng liên quan tới công việc có thể để lại ấn tượng ban đầu cho nhà tuyển dụng về bạn. Gần như trước khi ứng tuyển vào bất cứ công ty nào không riêng gì công ty nước ngoài bạn đều phải nộp CV để nhà tuyển dụng xem xét xem có mời bạn vào các vòng tiếp theo hay không.
Hãy có cho mình một quỹ khẩn cấp để bạn có thể an tâm sống tốt trong ít nhất trong 6 tháng mà không cần làm việc. Quỹ khẩn cấp là một khoản tiền được trích ra để đảm bảo trang trải cho những tình huống bất ngờ xảy ra về tài chính trong cuộc sống của bạn. Một số trường hợp khẩn cấp hàng đầu mà mọi người thường phải đối mặt: Mất việc làm, cấp cứu y tế, thiên tai, dịch bệnh, sửa chữa các thiết bị quan trọng như xe máy, laptop, điện thoại, các chi phí ngoài kế hoạch khác,..
Có nguồn thu nhập thụ động: Bạn có thể gửi tiết kiệm dài hạn (từ 12-13 tháng để được hưởng mức lãi suất ưu đãi nhất) hoặc đầu tư vào chứng chỉ quỹ, chứng khoán, vàng,... trong khả năng của mình.
Xây dựng networking trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các nền tảng tuyển dụng.
Hi vọng bài viết này hữu ích với bạn! Hãy giữ cho mình sự tỉnh táo và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để có được sự tự tin và an tâm trong hành trình sự nghiệp của mình.
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #174 28/05/2022
Comments