top of page
thythylittlethings

TỰ HỌC TIẾNG ANH (P2): HỌC TIẾNG ANH QUA ÂM NHẠC...NÊN HAY KHÔNG?

Từ lúc mới bắt đầu tự học tiếng Anh một cách đàng hoàng, mình có tìm hiểu rất nhiều phương pháp để cải thiện vốn tiếng Anh đặc biệt là kỹ năng nghe. Lúc ấy, có một lời khuyên mình thấy tương đối được nhiều người gợi ý chính là “Học tiếng Anh thông qua âm nhạc” và cho đến bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn nghe lời khuyên đó dành cho các bạn mới bắt đầu học tiếng Anh. Và câu hỏi ở đây là thời điểm đó mình có dùng phương pháp đó không? Câu trả lời là không, và lý do mình sẽ bàn chi tiết trong bài viết này nhé!


Vì sao mình khuyên không học tiếng Anh thông qua âm nhạc lúc mới bắt đầu?

Thứ nhất, lúc mới bắt đầu học tiếng Anh có nghĩa là chúng ta vẫn chưa biết nhiều về vốn từ, cách phát âm, ngữ pháp và cách sử dụng chúng trong những hoàn cảnh thực tế. Nếu chúng ta bắt đầu luyện nghe hay thậm chí học tiếng Anh của mình bắt cách này thì một là chúng ta sẽ khá “đuối sức” vì chưa đủ trình độ để hiểu ý nghĩa của bài hát hoặc là chúng ta sẽ học sai và hiểu sai cách dùng từ và dùng câu vì có những bài hát sẽ sử dụng rất nhiều từ ngữ hoa mỹ và có một vài điều chỉnh nhất định về ngữ pháp để phù hợp hơn với giai điệu và hòa âm phối khí của bài. Ví dụ như ở bài Look what you made me do của Taylor Swift có một câu mà thoạt đầu mình nghe cũng không hiểu ngữ pháp lắm và mình tìm hiểu thì biết câu đó đã được điều chỉnh ngữ pháp để phù hợp hơn với bài:

I don’t trust nobody and nobody trusts me

I’ll be the actress starring in your bad dreams

Trong bài Love Yourself của Justin Bieber cũng có một câu như vậy, hơi phân vân về ngữ pháp nhỉ?

My mama don't like you and she likes everyone

And I never like to admit that I was wrong

Đây là một điều mà chỉ khi mình nghe tiếng Anh ổn hơn một tí, biết ngữ pháp ổn hơn một tí và chịu suy nghĩ hơn một tí và phải nghe thật kỹ mình mới nhận ra, chứ nếu ngay từ đầu mình luyện nghe bằng cách nghe nhạc như thế này mình cũng không thể nào nhận ra được.


Tiếp theo là chúng ta có nên học qua “Top những bài hát để luyện nghe tiếng Anh không thể bỏ qua” hay không? Riêng cá nhân mình nghĩ là không vì những bài hát đó chưa chắc bạn đã yêu thích và những thứ chúng ta không thích thì một quy luật cơ bản là nó đều rất khó thấm vào đầu. Còn nếu, bạn thật sự thích những bài hát đó đi chăng nữa, thì việc mới bắt đầu học tiếng Anh với âm nhạc thật sự hơi mất thời gian so với những phương pháp khác nhưng lại mang hiệu quả không cao.


Cuối cùng là tốc độ âm thanh và ngữ điệu được phát ra trong bài hát và giao tiếp bình thường của người bản xứ là khác nhau. Không có gì bàn cãi về vấn đề này vì cả tiếng Việt cũng vậy, âm nhạc và đời thường sẽ có những sự khác nhau nhất định. Khi mới bắt đầu học tiếng Anh, đặc biệt là học nghe, đầu óc chúng ta như một tờ giấy trắng, chúng ta càng nạp nhiều cái gì vào đầu chúng ta sẽ tiếp thu và biến thành của mình nhiều nhất vì vậy mình không chắc việc nghe nhiều âm nhạc sẽ tốt cho giai đoạn mới bắt đầu.


Tóm lại, mình cho rằng chúng ta nên xem âm nhạc như một cách để bước đầu tiếp cận với ngôn ngữ, để tạo niềm vui và động lực học chứ không nên dựa hoàn toàn và xem đó là tất cả những gì chúng ta có thể học khi mới bắt đầu chỉ vì nó mang đến cảm giác không khó khăn và thử thách cho người mới bắt đầu.


Vậy lúc mới bắt đầu không nghe nhạc thì nghe cái gì?

Theo như những gì mình tìm hiểu từ các chuyên gia, tài liệu nghiên cứu và chính trải nghiệm của bản thân thì để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh, đặc biệt là giao tiếp, chúng ta nên nghe các đoạn hội thoại, các bài thuyết trình, các bài nói cùng một chủ đề hoặc audiobook bằng tiếng Anh bởi lẽ đó mới là tiếng Anh được sử dụng thực tế mỗi ngày. Và chúng ta đều đang học tiếng Anh để sử dụng trong thực tế và phục vụ việc trau dồi kiến thức trong các lĩnh vực mà mình quan tâm mà đúng không? Về vấn đề này, chắc mình cần một bài viết dài hơn thế này nữa, mình đang cố gắng tổng hợp để viết một bài chi tiết nhất có thể, mọi người đợi mình nhé!


Nói thế thì, rốt cuộc nghe nhạc có giúp ích được cho chúng ta trong việc cải thiện tiếng Anh không?

Với những gì mình tìm hiểu và chính trải nghiệm thực tế của mình bằng việc nghe nhạc US-UK thường xuyên trong hơn 4 năm qua thì câu trả lời của mình là có. Một số lợi ích của việc nghe nhạc tiếng Anh mà mình rút ra được là:

Thứ nhất, âm nhạc sẽ kích thích cảm giác hứng thú của bạn và là cách dễ dàng, thoải mái nhất để tiếp cận với tiếng Anh.

Thứ hai, âm nhạc có thể dạy cho bạn văn hóa, con người của đất nước đó, bạn cũng có thể học thêm một số từ vựng và cụm từ nhất định (khi bạn đã đạt một trình độ nhất định trong tiếng Anh).

Cuối cùng, bạn có thể dùng âm nhạc để thư giãn và giải trí ngoài giờ học và những lúc không muốn học nhưng vẫn có cảm giác đang rèn luyện một kỹ năng nào đó trong tiếng Anh. Có thể nói, đây dường như là lý do lớn nhất mà mình nghe nhạc US-UK thường xuyên.


Tuy nhiên, việc nghe nhạc chỉ thật sự giúp bạn cải thiện tiếng Anh khi:

  • Bạn thực sự thích nghe nhạc và yêu thích bài hát bạn đang nghe. Nếu bạn không phải là một tín đồ của nhạc US-UK thì việc luyện nghe qua bài hát sẽ không có một tác dụng nào với bạn cả. Đối với tất cả các vấn đề khác trong cuộc sống cũng vậy “miễn cưỡng sẽ không thể nào hạnh phúc”. Nếu bạn càng cố gượng ép bản thân vào việc mình không thích làm chỉ vì người khác cho rằng đó là phương pháp hiệu quả thì bạn sẽ gục ngã lúc nào không hay đấy. Vì thế, trước khi áp dụng bất cứ phương pháp nào vào bản thân mình bạn phải suy nghĩ kỹ càng xem đó có thực sự phù hợp với bản thân mình hay không.


  • Bạn đã đạt một trình độ tiếng Anh nhất định (Từ vựng, ngữ pháp, cách phát âm,…) và quan trọng là phải học được phương pháp nghe phù hợp để có thể nghe hiểu câu từ của bài hát. Với riêng bản thân mình cảm nhận, cho đến khi trình độ mình ở mức trung bình, mình mới có thể nghe được một vài câu trong những bài hát có giai điệu chậm. Và đến bây giờ, khi khả năng nghe, phát âm, từ vựng của mình đã được cải thiện tương đối tốt thì mình mới có thể nghe hiểu một vài bài hát nhất định thôi.


  • Kiên trì, kiên trì và kiên trì: Thật sự thì nếu bạn đã ở một cấp độ trung bình rồi thì việc nghe hiểu bài hát và thông qua bài hát để cải thiện tiếng Anh thì vẫn còn khá xa xỉ. Đối với riêng mình, để đạt được một điều gì đó trong cuộc sống đều sẽ không có một “Shortcut” (lối tắt) nào cả. Để cải thiện tiếng Anh cũng vậy, bạn cần có thời gian, kiên trì và biến nó thành một phần của cuộc sống của mình. Cho dù, thực sự mình chỉ xem việc nghe nhạc US-UK như một cách để thư giãn, giải trí và công cụ để kích thích hứng thú học tiếng Anh thôi nhưng mình đã phải đầu tư thời gian nghe hàng trăm bài hát, mỗi bài hàng trăm lần, nghe mọi lúc, mọi nơi khi rảnh rỗi từ lúc ngồi trên xe buýt, đi bộ cho đến lúc tắm, giặt của mình trong suốt mấy năm nay. Có người sẽ nói với bạn là chỉ cần có phương pháp nghe bạn sẽ tiến bộ mà không cần kiên trì rèn luyện, tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng vì không có phương pháp nghe nào đúng với tất cả mọi người cả, mà chỉ bằng cách rèn luyện và rút kinh nghiệm bạn mới thực sự tìm ra cách nghe đúng đắn nhất cho bản thân mình.

"There are no shortcuts to any place worth going." - Beverly Sills

Cuối cùng, trong bài viết này mình muốn chia sẻ với mọi người khoảng hơn 80 bài hát US-UK mình thích nhất và đã “cày” nhiều nhất để cải thiện kỹ năng nghe (à không vẫn để kích thích việc học tiếng Anh và thư giãn là chính). Mình muốn tổng hợp lại vừa để lưu trữ cùng một nơi cho dễ tìm và mở lên nghe và cũng muốn chia sẻ cho các bạn như một nguồn tham khảo:











Bạn có thể nghe những bài hát còn lại (hơn 80 bài) cùng mình qua link này nhé (Sẽ tiếp tục được cập nhật)

“Thy và những câu chuyện nhỏ” #98

04/05/2020

150 views0 comments

Comments


bottom of page