top of page
thythylittlethings

VĂN HÓA HỐI HẢ VÀ NĂNG SUẤT ĐỘC HẠI

“Văn hóa hối hả” (Hustle culture) là một cụm từ thường xuyên được sánh đôi cùng với “Năng suất độc hại” (Toxic productivity), những thứ đang dần khiến chúng ta kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần trong công việc lẫn cuộc sống hiện đại.


Những câu nói vốn dĩ được dùng để nạp thêm động lực làm việc như “Hard work pays off." hay “No pain, no gain.” ... đang ngày càng bị lạm dụng để cổ vũ cho cách làm việc không ngừng nghỉ. Việc này đã vô tình đẩy chúng ta trở thành “nạn nhân” của năng suất độc hại và văn hóa hối hả, nơi không có ranh giới giữa làm việc quá sức và thành công.


Văn hóa hối hả (hustle culture) có thể được định nghĩa là tình trạng không ngừng làm việc, dành hết thời gian cho công việc đến nỗi chẳng có thời gian cho việc nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và các mối quan hệ xung quanh. Văn hóa hối hả hiện đại thậm chí còn bị diễn giải sai lệch đến mức người ta xem thời gian cho việc ngủ là lãng phí hay người không đi theo văn hóa hối hả là sai lầm.


Bề ngoài, văn hóa hối hả có vẻ giống như một phong trào cỗ vũ cho việc làm việc chăm chỉ “thâu đêm suốt sáng” sẽ đi kèm với sự thăng tiến trong công việc, được nhận thêm lương ngoài giờ hay các phần thưởng như mong đợi. Nhưng thực chất, văn hóa hối hả dường như chỉ tập trung vào khối lượng công việc mà chúng ta làm chứ không phải chất lượng và tin rằng giá trị của chúng ta chỉ đến từ việc làm việc không ngừng nghỉ.


Bạn sẽ không khỏi giật mình khi nói chuyện với một người có tư duy hối hả. Họ luôn cho rằng chỉ có công việc mới tạo nên giá trị con người của họ và luôn bắt ép bản thân phải làm việc nhiều hơn những người bình thường. Thậm chí, người có tư duy hối hả còn thúc ép những người xung quanh họ cũng phải làm việc không ngừng nghỉ như thế mới có thể thành công.


Nếu bạn đã từng trải nghiệm trong một môi trường làm việc có văn hóa hối hả, bạn sẽ không lạ gì với chuyện mọi người xem việc làm đến 12h đêm, làm cả ngày nghỉ, không ngủ đủ, làm nhiều việc cùng lúc mà không cần nghỉ ngơi là “những thành tựu đáng nể” và đáng được khen ngợi. Cho dù đã làm đến nổi kiệt sức nhưng họ vẫn buộc bản thân phải cố gắng vượt qua, họ cố gắng uống thêm một tách cà phê vào chiều muộn để tỉnh táo và tiếp tục làm việc.


Nhưng rồi thì sao, hậu quả của văn hóa hối hả không chỉ là giảm năng suất làm việc mà còn ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Rất nhiều người ở lại văn phòng sau giờ làm đều không thực sự làm việc hiệu quả, họ chỉ đang cố chứng tỏ rằng bản thân đang năng suất nhưng thực tế thì không như vậy. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết kết quả của những giờ làm việc mà thực tế là thời gian để con người nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng đều không tốt. Các vấn đề tệ hơn liên quan đến việc làm việc quá sức bao gồm căng thẳng mãn tính, lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, bệnh tim mạch, bệnh dạ dày,... và thậm chí rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Các mối quan hệ xung quanh những người “nghiện công việc” cũng ngày càng trở nên tệ hơn do căng thẳng lây lan và mất kết nối.


Với sự thay đổi rất lớn trong suy nghĩ của gen Z, một thế hệ đề cao giá trị nội tại, tính linh hoạt và trải nghiệp hiện tại thay vì những điều đạt được trong tương lai công việc, trải nghiệm của mình với văn hóa hối hả cũng rất tệ. Đôi lúc, mình cảm thấy giật mình khi nghe ai đó khoe rằng họ vừa thức đến 3h sáng để làm việc hay họ đang chạy 10 dự án cùng lúc, họ luôn trong trạng thái bận rộn và cảm thấy như vậy vẫn ổn. Mình tôn trọng tư duy và cách làm việc của người khác, nhưng thực sự bản thân không thể thích nghi và đề cao cách làm việc và kiểu năng suất độc hại như thế.

Tuy nhiên, thật không dễ dàng để thoát khỏi những tư duy cố hữu rằng bạn làm chưa đủ, bạn cần làm nhiều hơn, đặc biệt là khi truyền thông nội bộ, mạng xã hội và cả những người có ảnh hưởng vẫn đang “tôn vinh” cho văn hóa hối hả này. Thẳng thắn mà nói, chúng ta chưa thể chống lại mà chỉ có cách tập đương đầu và thiết lập ranh giới nhiều nhất có thể với văn hóa này mà thôi.


Một số gợi ý giúp đương đầu và thiết lập ranh giới với văn hóa hối hả và năng suất độc hại mà bạn có thể tham khảo:


1. Định hướng, lập kế hoạch làm việc hiệu quả

  • Thiết lập danh sách ưu tiên

  • Lên lịch và giới hạn thời gian cho từng công việc cụ thể

  • Tránh tạo ra những món nợ thời gian

  • Thiết lập ranh giới với những người có tư duy hối hả, năng suất độc hại

  • Tập trung

  • Dành thời gian để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng


2. Trang bị thêm các kỹ năng cần thiết cho bản thân

  • Kỹ năng cứng: tin học văn phòng, các kỹ năng liên quan tới công việc hiện tại giúp tối ưu năng suất và làm việc hiệu quả.

  • Kỹ năng mềm: tư duy giải quyết vấn đề, quản trị bản thân, tư duy phản biện… giúp bạn thấu hiểu bản thân, người khác và tình huống đang gặp phải và đưa ra các giải pháp hiệu quả.

3. Ngừng “tôn vinh” văn hóa hối hả và năng suất độc hại

Có bao giờ bạn thử dừng lại và nghĩ xem bản thân liệu có đang là một nạn nhân của văn hóa hối hả, nhưng đồng thời cũng đang “tôn vinh” nó. Bạn liệu có từng bất mãn khi bị đánh giá thấp chỉ vì không làm theo văn hóa hối hả, không ở lại văn phòng đến khuya, không thức thâu đêm làm việc, không nhận thêm việc vào cuối tuần, không thể hiện cho người khác biết bạn đang chăm chỉ làm việc,.. Sẽ chỉ là một hạt cát giữa sa mạc rộng lớn nếu như bạn ngừng “tôn vinh” những điều kể trên ở bản thân và người khác, nhưng hơn hết bạn sẽ biết cách công nhận giá trị bản thân và hiểu rằng giá trị của bạn không nên được đo lường qua những điều độc hại kể trên.

Năng suất hơn hay độc hại hơn? Điều mà có lẽ hầu hết chúng ta luôn băn khoăn mỗi khi nhìn lại những gì mình đã và đang làm. Khi ở một môi trường mang văn hóa hối hả, chúng ta cũng rất dễ bị lạc lối trong những dòng chảy “không ngừng nghỉ” mà không biết khi nào nên cho bản thân thời gian để nghỉ ngơi và theo đuổi các mục tiêu cá nhân. Nhưng hãy nhớ mỗi công việc chỉ là một chuyến xe, và bạn mới chính là người lái, chuyến xe đó sẽ đi như thế nào, chuyến xe đó sẽ dừng ở đâu cũng chỉ có bạn mới là người quyết định.



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #144 30/10/2021

856 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page